10 vấn đề thường gặp với máy in và cách khắc phục
Ngày: 12-10-2015
Đối với người sử dụng máy tính, in ấn là một khâu khá quan trọng. Tuy nhiên, không phải lúc nào chiếc máy in cũng hoạt động trơn tru và làm hài lòng bạn. Dưới đây là 10 vấn đề thường gặp với máy in và cách khắc phục.
1. In quá chậm
Với máy in HP, chỉ cần chọn Fast Draft Quality là tốc độ in sẽ được cải thiện đáng kể.
Nếu bạn cảm thấy máy in quá chậm, chỉ cần một vài thao tác là có thể tăng tốc máy in đồng thời tiết kiệm mực in. Lời khuyên ở đây là hãy giảm chất lượng bản in xuống một chút.
Đối với Windows, bạn chỉ cần vào Print and Properties và chỉnh các setting liên quan đến chất lượng in. Ví dụ, với máy in HP PhotoSmart 8450, bạn chỉ cần chỉnh Print Quality sang Fast Print.
Ngoài ra, bạn có thể tăng tốc độ in bằng cách giảm thiểu các hình ảnh trong file in hoặc lắp thêm RAM cho máy in (nếu được, tùy từng model máy).
2. Giá mực in quá đắt
Hiện nay có rất nhiều hãng máy in bán những chiếc máy in giá rẻ nhưng mực in rất đắt. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay và người dùng trở thành nạn nhân trực tiếp.
Có hai cách để khắc phục điều này là: mua các máy in có hộp mực lớn và bơm mực của hãng thứ ba.
Tất nhiên, cái gì cũng có giá của nó. Khi bạn sẽ tiết kiệm được khá nhiều chi phí in ấn thì mực của hãng khác có thể làm giảm tuổi thọ máy in của bạn và chất lượng bản in sẽ không thể tốt bằng mực in chính hãng.
3. Windows gửi lệnh nhầm máy in
Vì một vài thay đổi, Windows có thể sẽ nhận một máy in khác làm máy in mặc định và khi đó nó sẽ không gửi lệnh in tới máy in bạn muốn dùng mà tự động chuyển đến máy in khác.
Tình trạng này khá phổ biến khi nâng cấp từ Windows Vista lên Windows 7. Để chọn lại máy in mặc định, bạn chỉ cần làm theo các bước sau: click vào Start ( biểu tượng cửa sổ ở góc phía dưới bên trái màn hình), chọn Devices and Printers. Trong mục Printers and Faxes, bạn click chuột phải vào máy in muốn chọn rồi chọn mục Set as default printer.
Trong XP và Vista, bạn click vào Start, chọn Control Panel/Hardware and Sound, rồi click vào Printers, sau đó click chuột phải vào máy in muốn chọn, chọn Set as Default Printer.
Cách chọn lại máy in mặc định trong Windows 7.
4. Bản in mờ, có đốm hoặc sọc ngang
Hiện tượng này xảy ra là do đầu in của bạn đã bị tắc, nguyên nhân thường là do sử dụng máy in phun không thường xuyên. Một số phần mềm tiện ích về in ấn có thể làm sạch mực khô và in một trang thử nghiệm để kiểm tra.
Thông thường, bạn có thể tìm phần mềm tiện ích này bằng cách click vào Devices and Printers hoặc Control Panel từ menu Start, sau đó tìm phần mềm trong đó.
Một vài tiện ích có thể làm sạch mực khô giúp cải thiện bản in.
5. Máy in báo hết mực sớm
Có khá nhiều trường hợp hộp mực vẫn còn nhưng máy đã báo hết. Các thông báo hết mực in vốn nổi tiếng là không đáng tin. Tuy nhiên, với một vài thủ thuật, bạn có thể in đến giọt cuối cùng của hộp mực.
Nếu dùng máy in HP, bạn có thể làm theo cách sau. Đầu tiên tắt máy tính, tháo hộp mực ra và dán băng dính vào cực số 1 (trên hình), lắp hộp mực vào rồi khởi động máy tính, máy in sẽ tự động in một trang kiểm tra. Sau đó ta tháo hộp mực ra và dán băng dính vào cực số 2, lại lắp vào và in.
Máy in sẽ phát ra vài tiếng ồn nhỏ. Tiếp tục tắt máy và tháo hộp mực, dán băng dính vào cực số 3 và 4 rồi lắp lại. Bạn bật máy in rồi chờ một lúc và tắt đi.
Tiếp theo bạn tháo hộp mực và bóc hết băng dính đi, lắp hộp mực vào, chờ một lúc lại tắt đi và bật lại, bây giờ máy in sẽ không báo hết mực nữa. Bạn có thể in hết mực, bơm mực ngoài vào hộp mực rồi dùng cách trên để báo với máy in là hộp mực còn đầy.
Các cực cần can thiệp để “làm mới” hộp mực cũ.
Đối với hộp mực Epson thi đơn giản hơn, bạn chỉ cần dùng một cái kẹp gim giấy hoặc bất kì vật gì có đầu nhọn chọc vào lỗ reset hole như hình dưới. Các cách trên hơi mạo hiểm nhưng nếu thành công, bạn có thể tiết kiệm thêm chút chi phí in ấn trong thời buổi đắt đỏ này.
Với một chút tìm tòi và khéo léo, bạn có thể làm cho máy in chịu in tới giọt cuối cùng của hộp mực.
6. Máy in wifi chạy quá chậm
Máy in chuẩn Wifi thì tiện dụng thật nhưng về độ ổn định và tin cậy thì không thể đánh bại được máy in thông thường. Công nghệ wifi hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế về tầm phủ sóng.
Nếu bạn nhận thấy máy in wifi của mình in chậm quá thì hãy thử chuyển vị trí máy in lại gần thiết bị phát sóng (router WLAN, modem Wifi) hoặc giảm bớt các vật có thể che sóng.
Ngoài ra, bạn có thể chuyển sang công nghệ Wifi chuẩn n (802.11n) với tầm phát sóng rộng và tốc độ truyền tải cao.
Tuy nhiên, dù thế nào thì một máy in WLAN cũng không thể hoạt động ổn định bằng một máy in qua mạng có dây.
Máy in Wifi thì tiện lợi, nhưng không thể ổn định bằng dây.
7. Bản in xấu do dùng mực tái chế hoặc mực bơm ngoài
Ngoài thị trường hiện nay có khá nhiều loại mực in giá rẻ. Tuy nhiên, các loại mực in này đa phần có nhiều tạp chất, không thể thoát ra hết khỏi đầu phun rất nhỏ trong máy in. Những cặn bẩn này lâu ngày sẽ tích tụ ở đầu phun và làm hỏng đầu phun khi có áp lực mực trong lúc in ấn.
Mực in ngoài còn cho chất lượng bản in kém hơn so với mực chính hãng. Vì thế, bạn cần phải lựa chọn mực in kĩ càng. Tùy theo số lượng trang in mỗi tháng, chất lượng bản in cần thiết và chủng loại máy in, bạn có thể chọn được loại mực in phù hợp. Trong những trường hợp này, mực in chính hãng là là sự lựa chọn sáng suốt.
8. Làm thế nào để in nhiều trang văn bản trên một mặt giấy
In nhiều trang hơn trong một trang in là một cách để tiết kiệm mực in và tăng thời gian in. Thông thường bạn có thể in hai trang văn bản trên một mặt giấy đối với các giấy tờ như bảng tính, hóa đơn, phiếu thu… hoặc với các tài liệu để đọc có cỡ chữ to.
Trong Windows, bạn ấn Print, sau đó chọn Properties rồi thiết lập tùy chọn in hai trang văn bản (chi tiết tùy thuộc từng loại máy in).
Cách in hai trang văn bản trên một mặt giấy.
9. Kiểm tra cơ bản khi máy in trục trặc
Nếu máy in của bạn đột nhiên dở chứng, có thể nó chẳng bị mắc căn “bệnh” nào trầm trọng cả. Do đó, bạn nên kiểm tra sơ qua và khắc phục những vấn đề đơn giản trước khi quyết định mang nó đi sửa.
Bạn nên kiểm tra một lượt ổ cắm điện, giắc nối USB, giắc LAN (nếu là máy in mạng), hoặc kiểm tra xem máy còn giấy không, giấy đã đút khít chưa, lệnh in đã đúng chưa và liệu máy in có hết mực không…
Nhiều khi chỉ vì một lỗi nhỏ nhặt và đơn giản, chiếc máy in của bạn lại kêu ca.
Khi máy in báo lỗi, đừng vội mang máy in đi sửa mà hãy thực hiện các bước kiểm tra đơn giản trước.
10. Khay chứa giấy quá mỏng manh
Để giảm chi phí, nhiều nhà sản xuất máy in thường làm những khay giấy mỏng mảnh và chứa được quá ít giấy. Trong đó, có cả các hãng như Brother, Dell, Epson, HP, Ricoh, và Xerox…
Với những chiếc máy như thế, bạn sẽ rất khó chịu vì thường xuyên phải nạp thêm giấy. Do đó trước khi mua máy in, bạn nên tham khảo danh sách những nhà sản xuất “keo kiệt” chuyên đưa ra các sản phẩm có khay giấy quá tồi.
Đặc biệt khi đi chọn máy in, bạn nên xem xét cẩn thận khay giấy của máy. Nếu nó quá mỏng mảnh, bạn nên chọn mẫu khác. Nếu khay giấy nhỏ, không phù hợp với nhu cầu in ấn của bạn, bạn cũng nên xem một model khác.